Người Đàn Bà Mê Làm Rượu

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÊ LÀM RƯỢU

Nói như thế là không ngoa, bà đi khắp mọi miền từ Bắc tới Nam chỉ để tìm hiểu học hỏi và nghiên cứu về các loại rượu, rồi về mày mò nghiên cứu để áp dụng cho Rượu Bầu Đá.

Bà là Nguyễn Thị Ngọc chủ doanh nghiệp tư nhân Rượu Bầu Đá NGỌC HƯƠNG và bà cũng là người dám đổi tên Rượu Bàu Đá thành Bầu Đá, bà đã dán nhãn Rượu Bầu Đá trên tất cả các sản phẩm Rượu Bầu Đá của mình. Rồi tiêu thụ ra thị trường

Ngày 25/03/2002 bà về hưu kết thúc quá trình nhiều năm cống hiến cho công ty Cồn - Rượu Quy Nhơn (Nghĩa Bình cũ). Đáng lẽ ra bà phải an nhàn hưởng thụ những tháng ngày còn lại, nhưng không trong con người bà có cái gì đó thôi thúc chưa muốn nghĩ ngơi bà cứ âm ỉ trong lòng mình bao dự định chưa làm thế là sau nhiều ngày tháng suy nghĩ bà quyết chí làm và sản xuất Rượu Bầu Đá mặc cho sự can ngăn của chồng vì thương vợ không muốn vợ vất vả và Doanh Nghiệp Tư Nhân Rượu Bầu Đá NGỌC HƯƠNG ra đời NGỌC là tên của bà HƯƠNG là tên con gái đầu lòng của bà nên ghép lại thành NGỌC HƯƠNG đặt trụ sở tại 445 Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn  và con đường phát triển Rượu Bầu Đá của bà bắt đầu.

Xin nói đôi chút về cuộc đời của bà (Theo Báo Bình Định)

* Tuổi trẻ dành cho cách mạng

Bà Nguyễn Thị Ngọc
Bà Ngọc tự giới thiệu về mình: “Tôi sinh năm 1950, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Cha là đảng viên từ thời kháng chiến chống Pháp. Tôi hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi và sau đó được kết nạp Đảng, hoạt động hợp pháp ở thị trấn Phù Mỹ. Năm 1968 thì bị thương ở cây số 2 Gò Rộng (Mỹ Quang bây giờ) khi đang làm việc với Sư đoàn 52. Năm 1970, là Huyện ủy viên huyện Phù Mỹ. Hiệp định Paris 1972 được ký kết, tôi được cử vào hoạt động bí mật ở thị xã Quy Nhơn”.

* Giai đoạn nào khiến bà nhớ nhất?

- Ác liệt nhất là thời gian hoạt động ở Quy Nhơn. Tôi bị bắt tù hai lần, một lần một năm rưỡi và một lần chín tháng vì địch nghi ngờ tôi dính líu đến “Cộng sản”. Những đợt tra tấn bằng điện vẫn còn ám ảnh thường xuyên, lên những cơn co giật, đầu óc nhức buốt cho đến lúc tôi lấy chồng mới thôi (bà Ngọc lập gia đình năm 1982, khi đã 32 tuổi - PV). Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời những vết thương trên đầu của tôi vẫn cứ nhức buốt.

Tôi nhớ mãi lần bị quân cảnh lùng sục cả đêm, trốn chui trốn nhủi chỗ nào cũng bị phát hiện. Bí quá, phải trốn vào lùm keo to ở gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh bây giờ. Chừng hơn nửa đêm, có người đến tiêu, tiểu ngay đó, nước tiểu bắn cả vào mặt mà chẳng dám động cựa, cứ… “bóp mũi” ngồi chờ đến khi trời hửng sáng mới dám trà trộn vào người đi chợ mà về.

* Người đàn bà “mê” làm rượu

Sau năm 1975, bà Ngọc về công tác tại tổ chức Thị ủy Quy Nhơn và tranh thủ hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa phổ thông. Năm 1989, bà được điều về Nhà máy sản xuất Cồn - Rượu Quy Nhơn. Làm công tác tổ chức, bà Ngọc còn tranh thủ học lớp tại chức về hóa công nghệ thực phẩm ở Đà Nẵng. Từ dưới phân xưởng, bà được đề bạt phó giám đốc, rồi giám đốc…

* Đề tài “Nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm rượu Bầu Đá” do bà thực hiện ra đời trong hoàn cảnh nào?

- Tôi nhớ khoảng đầu năm 1999, trong một cuộc họp, anh Mai Ái Trực lúc bấy giờ làm Chủ tịch UBND tỉnh có phát động phong trào “ai làm được rượu Bầu Đá thì thưởng…”, tôi đăng ký làm đề tài cùng với mấy anh em trong công ty. Tháng 4.1999, đề tài được Hội đồng Khoa học kỹ thuật tỉnh chấp nhận và hỗ trợ 100 triệu đồng. Được sự giúp sức, tạo điều kiện của anh Thắng, khi ấy là Trưởng phòng Công nghiệp huyện An Nhơn (nay là Phó Giám đốc Sở Công Thương - PV), suốt mấy tháng trời tôi đã về làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (An Nhơn) tìm hiểu về làng rượu nổi tiếng này. Rồi xuôi ngược Nam, Bắc tìm đến các nhà máy rượu nổi tiếng và các chuyên gia về rượu để tìm cách xử lý độc tố vẫn còn trong rượu Bầu Đá nguyên chất. Đề tài không chỉ đi sâu nguồn gốc ra đời của làng rượu mà còn đề cập đến việc tìm bình xứng đáng cho loại mỹ tửu này thay cho những can nhựa bình thường trước đó.

Tháng 7.2000, đề tài này đã được Hội đồng Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định nghiệm thu và đánh giá rất cao. Cơ sở sản xuất rượu Bầu Đá Ngọc Hương được ghép lại từ tên tôi và con gái, do tôi làm chủ cũng bắt đầu ra đời. Cơ sở chuyên đi lấy rượu tại các lò ở làng Cù Lâm về cơ sở sản xuất (CCN Quang Trung- Quy Nhơn) xử lý các độc tố, tạp chất… rồi đóng chai, vào bao bì đẹp mắt trước khi đưa ra thị trường trong nước.

* Rượu Bầu Đá là của Bình Định, và bà là người làm đề tài này. Nhưng rồi “thương hiệu” rượu Bầu Đá đã bị một công ty ở Đà Nẵng “ẵm” mất nhờ đã đăng ký nhãn hiệu Bàu Đá từ trước?

- Nhắc đến điều này, tôi vẫn còn tiếc lắm. Đặc sản của Bình Định mà người Bình Định lại không được quyền sở hữu thương hiệu đó. Âu cũng là bài học đắt giá về câu chuyện quyền đăng ký sở hữu công nghiệp trong thời buổi làm ăn như hiện nay. Rút kinh nghiệm nên sau này, mỗi khi tôi ra sản phẩm gì mới đều đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cả.

Đến nay, rượu Bầu Đá Ngọc Hương đã có mặt ở các siêu thị của các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Một công ty ở Nhật Bản sau khi “chịu” lô hàng thử 2.000 chai rượu Bầu Đá Ngọc Hương (nồng độ 25,5 độ) tháng 4.2008, đã đặt thêm 10.000 chai nữa. Công ty này trực tiếp sang Việt Nam chọn mẫu mã bình rượu (dùng gốm sứ Bát Tràng), bao bì phía ngoài có ghi “thương hiệu” Rượu Bầu Đá Ngọc Hương - Quy Nhơn - Bình Định bằng tiếng Anh và Việt. Bà Ngọc cũng đang làm thủ tục xuất thử 2.000 chai rượu (nồng độ 29,5 độ) sang Hàn Quốc.

Không chỉ làm “sống lại” thứ mỹ tửu trứ danh của đất Võ, bà còn làm ra các loại rượu khác nữa như rượu nhàu, rượu nếp than, đậu nành, rượu dừa và rượu vang sim.

* Gọi bà là người đàn bà “mê” rượu, có lẽ cũng chẳng sai?

- Không, chính xác hơn là tôi chỉ thích làm ra các loại rượu mà thôi. Chỉ có niềm đam mê, học hỏi mới giúp tôi đi sâu, tìm tòi và nghiên cứu thành công làm ra các loại rượu như ngày hôm nay. Chỉ cần nắm được cơ chế chung nhất là điều chế được độ andehic, làm rượu “mềm” đi theo ý của mình thì chẳng có loại rượu nào mà mình không thể làm ra. Bí quyết đó là kết quả của sự tìm tòi, chắt lọc từ kinh nghiệm thực tế và học hỏi từ sách báo, từ những người có kinh nghiệm hơn mình. Có lần tôi đã phải ra tận Hà Nội, phải ăn chực nằm chờ cả tuần chờ một vị lãnh đạo ở Tổng Công ty Bia Rượu đi nước ngoài về để hỏi cho kỳ được cái mình cần hỏi.

* Bà có thể cho biết đôi chút về thứ rượu dừa và vang sim, hai sản phẩm rượu mới đây nhất của mình?

- Từ Phù Mỹ về Quy Nhơn, tôi thấy người ta cạy cơm dừa, đổ nước dừa khô đi, rất phí. Sao không thể tận dụng để làm rượu được nhỉ? Tôi đề nghị: đổi một phi nước dừa khô với một thùng mì tôm. Hễ đầy là tôi chở về ủ men, 10 ngày sau mới tách ra. Rượu dừa trong, có vị và hương đặc trưng của dừa. Vừa rồi, có người ở Bến Tre gởi mấy chai rượu dừa ở trong đó ra tặng. Rượu dừa mà lại màu hồng, lại phảng phất hương rum. Tôi gởi lại cho hai chai rượu dừa mình làm, anh ta thích quá, năn nỉ bán bản quyền hoặc đề nghị làm chung nhưng tôi không chịu.

Còn rượu vang sim là từ trái sim thời học trò, hương vị rất dễ thương. Mỗi năm tới mùa tôi mua mấy chục triệu tiền sim, ủ với men để dành từ 4, 5 năm mới cất ra. Tôi đang đăng ký quyền sở hữu công nghiệp hai loại rượu này.

* Đưa bánh tráng ra nước ngoài

Hỏi “hưu” năm nào, bà giật mình không nhớ, lật lại sổ hưu để nói cho chính xác: ngày 25.3.2002, trước tuổi 3 năm. Với hầu hết nhiều người, nghỉ hưu là để xả hơi. Còn bà, lại càng bận rộn hơn với biết bao dự định làm ăn, từ sản xuất các loại rượu đến làm hồ tôm, nước mắm, bánh tráng, mà cái nào bà cũng say mê đến quyết liệt. Bảy, tám giờ đêm một mình chạy xe máy về Phù Mỹ giải quyết công việc trong đêm, để rồi sáng sớm hôm sau đã có mặt tại Quy Nhơn lại tiếp tục một ngày làm việc mới. Bà nói đang ấp ủ dự định đưa “bánh tráng trên lưng ngựa” của mình “xuất ngoại”.

* Cái tên “Bánh tráng trên lưng ngựa” xuất xứ từ đâu, thưa bà?

- Nó xuất phát từ câu chuyện Hoàng đế Quang Trung lệnh cho phó tướng của mình là nữ đô đốc Bùi Thị Xuân lo chuyện quân lương để tiến quân ra Bắc với yêu cầu tiết kiệm thời gian và công sức của binh lính. Suy đi tính lại thì chẳng có gì tiện dụng như cách ăn của người An Khê thời đó: xay gạo thóc (gạo lức) tráng bánh mềm, cuốn với thịt heo rừng khô, chẳng mất thời gian nấu nướng mà khi ăn cũng không cần thiết xuống ngựa. Có lẽ vì chính một phần nhờ món quân lương này mà Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã thực hiện được cuộc tiến quân thần tốc ra Bắc.

Một người bạn cùng hoạt động trong thời kháng chiến đã cho tôi tư liệu về bánh tráng lưng ngựa. Dựa vào đó, tôi nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi thêm, và nghiên cứu sản xuất ra loại bánh này. Năm ngoái, bánh mới có mặt trên thị trường, gồm các loại: bánh nước dừa, bánh mè, gạo lức… được tiêu thụ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Còn ở trong tỉnh, tôi chỉ bán tại nhà với giá 20.000 đồng/ràng 10 cái (bánh nước dừa), 20.000 đồng/ràng 30 cái (gạo lức).

* Dựa trên cơ sở nào mà bà có ý tưởng cho bánh tráng “xuất ngoại” như rượu?

- Có thể nói rằng, ngoài rượu Bầu Đá thì bánh tráng là đặc sản thứ hai của Bình Định. Việt kiều về quê bao giờ cũng cố gói ghém vài ràng mang đi hoặc nhờ người nhà gởi sang vì họ không quên được thứ bánh dân dã, tiện dụng và hiện diện hầu hết trong bữa ăn của người Bình Định. Khi thấy thông tin “bánh tráng trên lưng ngựa” trên mạng Internet, một Việt kiều ở Mỹ gốc Tây Sơn đã điện về hỏi thăm, gợi ý cho tôi nên có kế hoạch xuất khẩu và hứa sẽ giúp tôi những bước ban đầu tiếp cận được với thị trường tiềm năng này. Tôi dự định tháng 9 tới sẽ làm một chuyến du lịch sang Mỹ “chào hàng”, xem tình hình bên đó như thế nào. Đưa được bánh tráng sang Mỹ là ước mơ lớn nhất của tôi hiện nay.

Doanh Nghiệp Tư Nhân Rượu Bầu Đá Ngọc Hương (445 Trần Hưng Đạo- Quy Nhơn) đã từng nhận được nhiều danh hiệu: Hàng Việt Nam chất lượng cao hợp chuẩn (2006), cúp Top Ten Thương hiệu Việt lần thứ 3 (2007), cúp vàng thương hiệu Việt Nam, giải thưởng quốc gia cúp vàng Việt Nam chất lượng cao và an toàn thực phẩm…